Mr. Thông, a former drug addict & ex-convict, is now helping others to quit the lethal habit. |
Bài và ảnh: Như Nghệ
Hơn 20 năm về trước, ở cái thời “sốt” đá đỏ, Nguyễn Cảnh Thông được biết đến là người nghiện ngập nặng nhất chốn thâm sơn cùng cốc của xứ Nghệ, bao của nả đã bị Thông “đốt” nơi bàn đèn. Kinh tế kiệt quệ, vợ anh vì thương con, thương chồng mà đi vào con đường buôn bán ma túy rồi bị bắt và chịu mức án 10 năm tù giam. 2 năm sau, anh cũng nối gót vợ vào trại “bóc lịch” với cùng tội danh. Gia đình tan nát, con cái ly tán, tưởng như bất hạnh này sẽ đẩy cả gia đình anh xuống vực sâu, không tìm ra lối thoát. Nhưng rồi, sau khi cắt được nghiện trong trại, ngẫm lại sai lầm cuộc đời mình, lại thương vợ tù đày, thương con vạ vật, anh đã hạ quyết tâm: Ra tù làm lại cuộc đời.
Quá khứ mặn chát
Bây giờ, anh Nguyễn Cảnh Thông, chủ cửa hàng bếp gas Bình Hiền ở thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An tiếp chúng tôi hết sức nồng hậu. Dường như câu chuyện về cuộc đời trầm luân của anh đã cuốn chúng tôi vào quá khứ mà theo anh là đen tối thủa xưa.
Anh Thông sinh ra trong gia đình có đến 12 người con ở một huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ nghèo khó. Không những thế, bố anh từng có thời gian nghiện nặng, kéo theo cả gia đình rơi vào tận cùng của đói khổ. Dẫu vậy, anh chưa một lần oán trách cha. Cùng với các anh chị em của mình, anh lao vào làm lụng, tính toán làm ăn. Chẳng mấy chốc đã vực dậy được kinh tế gia đình, bố anh vì thế cũng cắt được cơn nghiện, quay trở lại là người lương thiện.
“Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi đang cơn “sốt” đá đỏ Quỳ Châu tôi đã sắm được chiếc ôtô 24 chỗ để đưa đón khách lên đó. Cũng trong thời gian này, tôi gặp vợ tôi, một người con gái nổi tiếng xinh đẹp, hiền lành, tần tảo của vùng sơn cước Quế Phong tên Lê Thị Yến”, anh Thông tâm sự. Có được bên mình người vợ tưởng như trong mơ, Thông càng quyết tâm làm giàu để lo cho gia đình sung túc, xứng đáng với tình yêu của mình. Thời ấy, ngoài ngôi nhà khang trang bậc nhất vùng núi ấy, anh còn sắm thêm những tiện nghi đắt tiền khác. Hạnh phúc của anh chị càng thêm trọn vẹn, khi năm 1990, đứa con trai đầu lòng Nguyễn Cảnh Thiệu cất tiếng khóc chào đời. Tưởng chừng như không gì có thể phá vỡ được hạnh phúc bền chặt ấy.
“Đúng là chẳng ai biết được chữ ngờ. Là dân lái xe chở người lên vùng đá đỏ nên tôi phải tiếp xúc với đủ loại người. Và trong những lần ngủ lại các lán ở bãi đá đỏ, tôi đã “bập’” vào ma túy. Tôi mụ mị, điên cuồng cuốn vào thuốc phiện mà không biết bất hạnh đang ập xuống gia đình mình…”
Thoáng chút buồn, anh Thông tiếp: "Thời ấy, tôi đã quá hiểu tác hại nặng nề của ma túy vì nó từng hiển hiện qua cuộc sống của bố mình. Nhưng, nhiều đêm nằm thu lu một mình trong bãi, không chịu được cảnh buồn chán, tôi tìm đến ma túy để giải khuây như bao kẻ ngu xuẩn khác. Đầu tiên tôi còn hút trộm, sau nghiện nặng, tôi hút công khai. Chỉ sau mấy tháng “bập” vào ma túy, mọi tài sản mà vợ chồng tôi làm lụng bao năm trời cứ đội nón ra đi. Thậm chí, chiếc xe vốn là tài sản quý giá nhất của gia đình, là cái cần câu cơm tôi cũng bán nốt…"
Vậy là từ một người thanh niên điển hình về làm kinh tế, có cuộc sống đầy đủ, anh rơi vào cảnh trắng tay. Bi kịch hơn, anh còn cùng vợ dấn thân vào con đường buôn bán “cái chết trắng”.
Kết cục, vợ anh bị bắt năm 1998 vì tội buôn bán ma túy và phải chịu án tù. Năm 2010, anh cũng “nối gót” với tội danh tương tự và chịu hình phạt 7 năm tù. Anh Thông cười buồn: “Nhiều người bảo bị bắt đi tù là họa, nhưng với tôi đó lại là phúc. Bởi, chính thời gian trong trại, tôi mới có điều kiện tĩnh tâm và nhận ra lỗi lầm của mình. Tôi luôn dằn vặt về những việc làm sai trái của bản thân, giận mình bao nhiêu, tôi lại càng thương vợ con bấy nhiêu. Và tôi quyết cải tạo tốt, mong một ngày ra trại để bù đắp lại những gì đã mất…”.
Làm lại cuộc đời
Khi ở trong trại, anh đã ngộ ra rằng, do lỗi lầm của mình, anh đã đẩy vợ mình vào tù, gia đình tan nát, các con bơ vơ, không biết rồi tương lai sẽ ra sao. Không những thế, bố mẹ vì lo lắng cho anh mà đổ bệnh, ra đi trong sự đau buồn. Chính nỗi đau quá lớn dồn dập, lương tâm được thức tỉnh, bóng đen ma túy đã được đẩy lùi một phần, càng thôi thúc anh quyết tâm phục thiện. Nỗ lực của anh cuối cùng cũng được đền đáp khi năm 2005, anh và vợ cùng được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Vợ chồng con cái đoàn tụ trong nước mắt hạnh phúc, nhưng liền sau đó gia đình anh lại phải đối mặt với biết bao khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, đúng lúc gia đình anh đang chới với trong cuộc sống, cũng là lúc cộng đồng xã hội, bà con lối xóm kịp dang tay ra để đón đứa con tội lỗi, khát khao phục thiện trở về bằng những việc làm thiết thực như cho vay tiền để lấy vốn làm ăn, hỗ trợ xây nhà… đã giúp anh chị vượt qua được những khó khăn ban đầu ấy.
Không để mình quá rảnh rỗi mà nghĩ đến ma túy, anh Thông tự xoay xở tìm cho mình nhiều công việc để làm thêm, vực lại kinh tế gia đình, bù đắp những thiếu thốn mà các con phải chịu đựng. Anh làm quần quật suốt ngày, từ việc đi trông loa đài, bắc rạp cho các đám cưới... Công việc cứ thế cuốn anh vào một cách say mê. Dần dần, hình ảnh một con nghiện, một kẻ gieo cái chết trắng cho người khác không còn trong tâm trí của mọi người khi nhìn vào anh nữa.
“Liệu pháp” giúp người cùng cảnh ngộ
“Sau khi vực dậy được kinh tế, lấy được niềm tin của mọi người, tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm giúp đỡ những con người lầm lạc khác để chuộc lại lỗi lầm mà mình gây ra. Nghĩ là làm, tôi xin tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống tội phạm ma túy tại khối Tây Hồ 2, phường Quang Tiến nơi tôi ở...”, anh Thông tâm sự. Tâm huyết của anh được lãnh đạo phường, khối hết sức hoan nghênh ủng hộ. Vậy là anh trở thành thành viên chính thức của tổ bảo vệ và an ninh khu phố.
Với trọng trách này, anh tích cực trong phong trào phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn. Cùng với các thành viên, anh đã phá hàng chục tụ điểm ma túy. Năm 2009, anh được bầu làm khối phó, Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố. Đối với mọi người việc đó là bình thường, nhưng với anh, là một sự hồi sinh. Không chỉ chiến thắng chính mình, anh còn lấy được sự tín nhiệm, tin tưởng của mọi người, mặc dù anh từng có quá khứ lầm lạc.
Ngoài nhiệm vụ ở tổ dân phố, anh còn tích cực phát triển kinh tế, gia đình anh đã chủ động xây dựng nhiều chương trình kế hoạch tấn công tội phạm ma túy, trong đó có việc phân loại các con nghiện ma túy thành nhiều cấp độ khác nhau để tiến hành theo dõi và cảm hóa. Anh bảo: "Tôi cũng từng là một con nghiện, nếu không nhờ có bà con, chính quyền giúp đỡ, thì làm sao có ngày hôm nay. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp những người cùng cảnh ngộ thoát khỏi cái chết trắng kia."
Với “liệu pháp” cai nghiện, kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế và liệu pháp tâm lý có hiệu quả, người cai nghiện đến với anh phần lớn đều cai được ma túy. Trong đó, có những trường hợp đã nghiện ma túy hơn 10 năm trời. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, con cái anh ngoan ngoãn học giỏi. “Có những lúc, nhìn vào hiện tại, nghĩ về quá khứ, tôi thấy mình như đang mơ. Đúng như người ta nói, 'quay đầu lại là bờ,' quả không sai…”, anh Thông cười tươi.
http://suckhoedoisong.vn/20110923102543450p61c89/lieu-phap-cai-nghien-huu-hieu-cua-cuu-tu-ma-tuy.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét