According to the writing of Bạch Liên, every action is recorded in the universe, and nothing is ever lost. This implies that it behooves us to do good deeds during our short time here on Earth.
CHƯƠNG THỨ TƯ (B): Không có hành động nào mất cả
Trích: "NHÂN QUẢ"
Tác giả BẠCH LIÊN
1971
www.thongthienhoc.com
Tôi xin kể những chuyện sau đây để chứng minh:
Một là: Những Tiên Thiên Ký Ảnh Bất Diệt.
Hai là: Những biến cố xảy ra đều đã định sẵn trước không ai cải số được.
I.- THUỘC VỀ QUÁ KHỨ
Có lẽ người ta không còn dám làm dữ nữa. Hình ảnh việc làm đã qua sẽ bị thâu vào máy ảnh.
Triết nhơn Đông phương cho rằng tư tưởng và hành vi thiện ác của con người đều được ghi chép rõ ràng và khuyên thiên hạ nên tưởng và làm điều thiện để được hưởng phước và tránh điều ác để khỏi họa.
Các nhà Thần học và Thông Thiên Học Tây phương nhận rằng tư tưởng con người có hình dạng màu sắc và mỗi cử động đều tạo ra một hình ảnh y hệt như vậy.
Đúng lý chăng? Bấy lâu biết bao nhiêu người đánh đổ những thuyết kể trên hoặc cho rằng người ta lợi dụng thần quyền để mê hoặc lòng dân, hoặc cho rằng toàn là tư tưởng mờ ám mơ hồ của phái thần học, do sự tưởng tượng quá mạnh kích thích thần kinh hệ mà sinh ra nhiều ảo thuyết.
Ngày nay khoa học xương minh cực độ, có thể trong ít lúc sau đây người ta sẽ công nhận các thuyết kể trên mà không còn cho là mơ hồ dị đoan nữa. Chính một kỹ sư người Anh ở Oxford tên là Georges de la Warr, 64 tuổi, đã tìm ra phương pháp thâu được ảnh cuộc hôn lễ của ông trên 22 năm rồi (Tin của Tạp chí Paris Match số 97 ngày 27/1/51).
Theo ông thì không có thời gian chi cả. Những hành vi đã qua rồi vẫn còn tồn tại mãi bởi tự nó sanh ra những luồng sanh khí. Luồng sanh khí nầy giống hệt công việc xảy ra và theo luôn người đã hành động như bóng với hình, nhưng mắt người thường không trông thấy được.
Cây cỏ, thú vật và kim loại đều phát sanh được một luồng sanh lực ít nhiều tùy theo thể chất và năng lực của mỗi loài. Những cuộc thay đổi đều do một sự biến chuyển của một hoặc nhiều luồng sanh lực đó.
Nhà bác học Anh đã phát minh được một thứ máy ảnh để thâu hình ảnh những việc đã qua và trước khi thâu được ảnh cuộc hôn lễ của mình trên 22 năm rồi, ông có chụp được và in vào giấy những luồng sanh lực của bông hoa và kim khí. Hình rửa ra tuy không được rõ lắm nhưng ông có nói đây là mới bước đầu trong cuộc phát minh. Ông có yêu cầu và được sở trinh thám danh tiếng Scotland Yard giao phó trách nhiệm tìm kiếm viên ngọc “Đăng Quang” đã mất.
Xem thế, những lý thuyết của cổ nhân Đông Tây đâu phải là ngoa ngôn, ngụy thuyết. Các Ngài đã chiêm nghiệm, thấu triệt được lý của vũ trụ nên mới truyền bá ra. Chỉ vì người đời hoặc không thông cảm được, hoặc không đủ từ ngữ để giải thích phân minh, lại vội buông lời chế nhạo, khinh dễ.
Ngày nay, nếu máy ảnh của kỹ sư Georges de la Warr mà được hoàn hảo, mọi người đều có thể sử dụng dễ dàng như máy ảnh thường, nhơn loại sẽ đỡ khổ biết bao. Những tư tưởng bất chánh, những hành vi bạo động đều được trông thấy rõ ràng phân minh trên mặt giấy. Hẳn là không ai còn dám tưởng bậy làm càn nữa.
VĂN NHỨT (Báo Saigon Mới số 697 ngày 23/4/51)
Ta hãy suy nghĩ: nếu cuộc hôn lễ của ông Geoges de la Warr cử hành đã 22 năm rồi mà không để hình ảnh lại thì làm sao bây giờ chụp hình lại được. Nếu ông sửa cái máy của ông được tinh xảo hơn nữa ông sẽ chụp được hình ảnh tất cả những việc đã xảy ra cả trăm cả ngàn năm rồi. Hai mươi năm nữa, năm 1975 khoa huyền bí học sẽ được phổ biến, nhiều sự phát minh của khoa học sẽ chứng minh những lời của Tiên Thánh đã dạy về vũ trụ và nhơn sanh. Còn nhiều việc mà người đời gọi là bất ngờ nữa.
Mười lăm năm đã qua. Tới ngày nay không nghe nói tới máy ảnh của ông Georges de la Warr nữa. Ông còn sanh tiền hay đã từ trần rồi. Không rõ. Nay nhân đọc Phụ trương báo Tia Sáng số 804 ngày Chúa nhựt 9/10/1966 và thứ Hai 10/10/1966 có bài "Một bước tiến vĩ đại của ngành nhiếp ảnh. Mười lăm phút sau vẫn còn chụp được bóng người đã khuất." (Chụp hình một chiếc ghế trống, có thể thấy được bóng người ngồi trên đó 15 phút trước). (Sưu tầm của THIÊN HƯƠNG)
Xin chép ra đây đoạn đó cho quí vị xem:
… đi khỏi 15 phút vẫn còn chụp được hình.
“Điều đáng nói hơn nữa là loại máy ảnh của công ty Barnes Engineering ở Stamford sáng chế còn có thế chụp một bóng người đã đi khỏi mười mấy phút rồi.
Thật vậy, thí dụ một người nào đó đã ngồi trên một chiếc ghế, rồi đứng dậy đi một nơi khác. Mười lăm phút sau, người ta dùng chiếc máy ảnh hồng ngoại tuyến chụp hình chiếc ghế trống ấy, kết quả người ta vẫn thấy rõ ràng trong bức ảnh lộ ra hình dáng người đã ngồi trên chiếc ghế ấy trước đó mười lăm phút.
Thậm chí, người ta còn thấy rõ bóng người ấy đã ngồi trên chiếc ghế với dáng điệu thế nào, hai chân gác chéo ra sao y như chụp giữa lúc người ấy đang ngồi trên ghế vậy.
Chưa hết, nếu người ta dùng chiếc máy ấy chụp một khoảng đất trống dành cho xe hơi đậu, người ta có thể đếm được bao nhiêu chiếc xe đã từng đậu trên khoảnh đất ấy trước đó chừng một phút”.
Tôi tin rằng: Ngày sau, các máy ảnh nầy cải tiến rồi thì sẽ vượt hẳn cái máy ảnh của ông Georges de la Warr, nghĩa là chụp lại được những việc đã xảy ra cả thế kỷ trước.
Tuy nhiên, bao nhiêu đây cũng đủ chứng minh: “Tiên Thiên Ký Ảnh” có thật. Thuật pháp của những vị Pha Kia (Fakir) bên Thiên trước.
Sơn bằng ánh sáng Trung giới
… Xong rồi ông Jacob mới nói rằng: "Tôi đã giúp vui các Ngài, bây giờ tới phiên các Ngài giúp vui lại tôi. Xin các Ngài thuật chuyện các Ngài đã làm hay đã thấy trong một trận giặc mà các Ngài đã tham dự, tôi rất thích nghe những sự hành động của các vị anh hùng trong cơn giặc giã."
Mà thật vậy, bốn người trong chúng tôi đều có kinh nghiệm ít nhiều trong lúc chiến tranh. Song theo luật nhà binh thì không được thuật lại cách hành binh, vì vậy không biết tính làm sao. Nhưng rốt lại, ông Thống Chế bắt đầu thuật công việc ở nơi trận giặc Balakhava vì trận nầy chính là ông có dự vào. Ông nhắc lại cho chúng tôi nghe cách hành động oanh liệt của một tên lính thường rất tận tâm tận lực. Ông Jacob nghe và dòm trân ông Thống Chế dường như bị ông nầy thôi miên. Rồi khi nghe dứt câu chuyện, không nói một lời nào, ông mới lấy trong túi ra một chiếc đũa phép và điều động chậm chậm ở trước miếng trám cây trên vách.
TRẬN GIẶC BALAKHAVA
Điều động như vậy một lúc thì có một thứ ánh sáng màu tím xanh lộ ra, nó xây vần và sáng lần từ góc nầy lại góc kia, ở trước mặt chúng tôi. Kế trong ánh sáng hiện ra trận giặc Balakhava với đội binh ở chính giữa. Chúng tôi thấy ông Noland cỡi ngựa, lại nghe tiếng còi thúc giục tấn binh và sau rốt xáp trận. Chúng tôi lại thấy một ông quan võ bị tử thương và đạo binh ấy đương chống cự với súng thần công, lớp chết, lớp tấn công coi kịch liệt.
Mỗi sự chiến đấu đều lặp lại trước mặt chúng tôi cả. Chúng tôi thấy toán binh ấy lướt tới đoạt súng thần công rồi chạy trở về. Mà trong đám quân ấy, chúng tôi lại thấy mặt ông Thống Chế nầy rõ hơn hết. Chúng tôi thấy lúc họ trở về bị một bọn lính cầm đoản đao tốc rượt theo hai người trong đó có ông Thống Chế (trong lúc nầy ông chưa lên chức ấy) cho đến khi ông bị đâm một lưỡi gươm trên đầu lúng thấu cái nón của ông. Ông té quị xuống đất. Chúng nó thấy vậy bỏ ông và đuổi riết theo toán lính kia rất xa, vừa đứng trước mặt chúng tôi. Bỗng chút chúng tôi thấy ông rán gượng ngồi dậy và huýt gió ra dấu hiệu kêu con ngựa đứng gần bên ông. Nó nghe kêu bèn chạy lại. Ông mới rán sức leo lên con ngựa coi bộ khó khăn và đau đớn lắm. Rồi ông cho nó đi theo biên giới của địa phận Ăng lê được yên ổn. Còn ở chung quanh ông thì nào là tiếng la hét dậy trời, nào là khói bay mịt đất chẳng khác nào một trận bão tố.
LÀM SAO MÀ NHỮNG SỰ ĐÓ LẠI HIỆN RA ĐƯỢC
Khi ông Jacob quơ một vòng đũa phép của ông thì cả thảy đều tiêu ráo, chỉ còn thấy tấm trám cây mà thôi. Chúng tôi dòm với nhau lấy làm lạ, duy có một mình ông Thống Chế nói rằng: “Ôi ! thật là lạnh mình xanh mặt”.... Mỗi chuyện thuật ông đều làm phép cho lộ ra trước mặt chúng tôi cả. Xong rồi chúng tôi mới cãi nhau. Vì tại sao hồi nãy thuật lại công cuộc trong trận giặc có nhiều đoạn bỏ qua không nghe nói tới. Đến khi ông Jacob làm phép thì chúng tôi lại thấy đủ hết không sót một mảy nào.
Chúng tôi mới hỏi ông: “Chiến tranh đã xảy ra nhiều năm rồi, sao ông làm cho việc ấy lộ ra được trước mặt chúng tôi một cách rõ rệt không bỏ sót một chi tiết nào vậy ?”
Ông Jacob bèn đáp: “Mỗi việc xảy ra và choán một chỗ trong lịch sử hoàn cầu đều còn luôn luôn trong ánh sáng Trung giới không bao giờ tiêu tan. Nếu người nào biết cách và biết phép thì có thể bất luận giờ nào, chỗ nào, đều làm cho nó hiện ra được cả. Vả lại, những tiếng mà các Ngài nghe cũng vậy, chẳng khác những tiếng mà người ta thâu vào đĩa hát. Dầu mà người bị lấy tiếng đó chết đi đã lâu rồi, tiếng của họ cũng còn ghi mãi trong đĩa hát, muốn hát giờ nào cũng được tự ý mình cả, vì mọi sự hành động đều còn đời đời.”
Tôi bèn nói với ông những điều nầy rất phù hợp với sự giáo hóa của các nhà Pháp môn và tôi nói thêm rằng: Trong Tân Ước có câu: “Những điều gì đã hành động, dầu lành, dầu dữ, cũng đều diễn lại .”
Ông bèn nói: “Không có sự hành động nào mất cả và không khó gì mà làm cho hiện lại những điều đó.
Đọc bài nầy quí bạn suy ra thì biết ông Jacob còn ở trần tục chỉ dùng một phép mọn mà diễn lại được những việc đã xảy ra mấy chục năm rồi, huống chi là các Đấng Nam Tào Bắc Đẩu đã thành chánh quả cả ngàn triệu năm trước. Các Ngài đã biết hết những nhân quả của mình đã gây ra từ hồi nào rồi. Con nhền nhện bủa tơ của nó trên vách cách nào thì cái quả của ta gây ra với những kẻ khác cũng cách ấy.
(Còn tiếp)
http://www.thongthienhoc.com/sach%20nhan%20qua.htm
CHƯƠNG 1: CÁC TÔN GIÁO ĐỀU CÓ DẠY NHÂN QUẢ
CHƯƠNG 2: VÀI THÍ DỤ VỀ NHÂN QUẢ
CHƯƠNG 3: BA THỨ QUẢ
CHƯƠNG 4 (A): QUẢ BÁO TRẢ TỪ CẢNH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét